Ngành Thuế tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý thuế

Google+ Pinterest LinkedIn Tumblr +

Với sự triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh nhất, tốt nhất, chi phí thấp nhất đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

Ngành Thuế không ngừng đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế.

Phát triển ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN

Trong thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Trong đó, kế hoạch ứng dụng CNTT triển khai các dịch vụ thuế điện tử được thực hiện đồng bộ với các nội dung cải cách chính sách thuế, đổi mới thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai các dịch vụ thuế điện tử, dịch vụ công trực tuyến và tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, đã hoàn thành triển khai dịch vụ thuế điện tử (eTax) trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho NNT: Hệ thống này thay thế và tích hợp các hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên một Cổng thông tin thống nhất, giúp người nộp thuế (NNT) có thể dùng một tài khoản duy nhất truy cập vào hệ thống của Tổng cục Thuế để thực hiện các dịch vụ thuế điện tử và thủ tục hành chính về thuế.

Đồng thời, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai tích hợp 150 dịch vụ công trực tuyến về khai thuế, nộp thuế điện tử lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, vượt 174% so với chỉ tiêu mà Bộ Tài chính giao tại Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019. Số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên hồ sơ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020 là 16.683.461 hồ sơ.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục duy trì cung cấp miễn phí phần mềm Hỗ trợ kê khai (HTKK) cho NNT để hỗ trợ NNT có thể lập hồ sơ khai thuế điện tử tại máy trạm của NNT.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn

Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế ngày càng đòi hỏi phải được đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Theo đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng hệ thống quản lý thuế tích hợp đáp ứng Chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi số nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, quản lý tuân thủ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Từ đó, thực hiện xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế…”

Thứ hai, ngành Thuế đã triển khai thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng cho một số DN lớn, sử dụng nhiều hóa đơn thuộc các lĩnh vực điện, viễn thông, hàng không. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) như: giảm thời gian đăng ký sử dụng hóa đơn từ 05 ngày xuống còn tối đa 03 ngày, không phải đăng ký mẫu hóa đơn, rút ngắn thời gian thực hiện thông báo phát hành, không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế.

Thứ ba, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử như đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, 7 Ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, MBBank, VPBank, TPBank) triển khai dịch vụ khai, nộp điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; phối hợp với 55 Ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ.

Trong lĩnh vực quản lý thuế về đất đai, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai, Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng thương mại triển khai kết nối trao đổi thông tin nghĩa vụ tài chính giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai tại 19 tỉnh, triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các nhà cung cấp dịch vụ thuế trung gian về cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế (T-VAN) để cùng ngành Thuế mở rộng hệ thống cung cấp các loại dịch vụ kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin thuế… cho DN và cá nhân. Đến nay, đã có 12 đơn vị cung cấp dịch vụ T-VAN trên phạm vi cả nước tham gia.

Thứ tư, triển khai Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT (eTax) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục Thuế và 415 Chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt, hỗ trợ NNT 24/7. Hệ thống 479 kênh hỗ trợ NNT thực hiện các giao dịch hỏi đáp với cơ quan thuế. Các câu hỏi, vướng mắc của NNT sẽ được chuyển tới 479 kênh thông tin điện tử để được giải đáp kịp thời.

Thứ năm, tăng cường nâng cấp, mở rộng triển khai trên phạm vi cả nước đối với Trang thông tin điện tử (website) của 63 Cục Thuế trên nền tảng công nghệ mới sử dụng IBM Webphere portal. Đây là kênh cung cấp thông tin hiệu quả đến NNT và các đơn vị có liên quan như công khai thông tin hộ khoán, công khai thông tin văn bản, công khai danh sách DN thuộc loại rủi ro cao về thuế, danh sách đại lý thuế… nhằm đảm bảo quyền lợi cho NNT, minh bạch thông tin về quản lý nghĩa vụ thuế.

Đồng thời, hệ thống Website cũng đã được triển khai tại Trung tâm dữ liệu dự phòng để đảm bảo tính ổn định đáp ứng truy vấn thông tin lớn của NNT cũng như đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá trong quản lý của ngành Thuế.

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung về NNT

Nhằm thực hiện triển khai, nâng cấp và mở rộng hệ thống ứng dụng CNTT đảm bảo yêu cầu xử lý thông tin quản lý thuế tại 63 Cục Thuế và 711 Chi cục Thuế (trước khi sáp nhập) và 415 Chi cục Thuế (sau khi sáp nhập và thành lập Chi cục Thuế khu vực). Hầu hết, các chức năng theo quy trình quản lý thuế hiện hành đã được tin học hóa như: Xử lý tờ khai, xử lý chứng từ, tổng hợp báo cáo kế toán, theo dõi nghĩa vụ của NNT, xử lý hoàn thuế, quản lý và cưỡng chế nợ thuế, quản lý thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, quản lý hộ kinh doanh (hộ khoán), quản lý trước bạ nhà đất, quản lý rủi ro, thanh tra kiểm tra thuế, quản lý ấn chỉ, báo cáo tài chính, kiểm tra nội bộ, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về thuế.

Theo đó, đối với việc nâng cấp ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và chính sách thuế mới, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) tại Tổng cục Thuế đáp ứng việc hỗ trợ cơ quan thuế trong xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ Đăng ký thuế, Quản lý hồ sơ, Quản lý và Xử lý kê khai/quyết toán thuế, Kế toán thuế nội địa, Quản lý nợ, Sổ sách, Báo cáo phân tích, đánh giá (thay thế 16 phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế phân tán tại cơ quan thuế các cấp).

Đồng thời, Tổng cục Thuế tập trung nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế hàng năm đáp ứng các sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ, mẫu biểu kê khai thuế theo chương trình cải cách thủ tục hành chính; Đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ mới như yêu cầu phối hợp thu với Bảo hiểm Xã hội, Luật phí và lệ phí, các khoản thu về đất, trước bạ và thu khác, yêu cầu quản lý thuế với các giao dịch thương mại điện tử, quản lý DN lớn, DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng kho cơ sở dữ liệu về thuế (Datawarehouse) với các giải pháp về phân tích và khai thác dữ liệu (Business Intelligent và Data Analytics) bao gồm cả dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của đề án kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính; Đáp ứng việc quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo hướng tập trung, cập nhật tự động và được quản lý, vận hành theo quy định.

Ngoài ra, việc xây dựng và mở rộng các kết nối, trao đổi thông tin với các đơn vị bên ngoài nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (trao đổi thông tin chứng từ, đăng ký thuế, lệ phí trước bạ, trao đổi với cơ quan đăng ký đất đai); Trao đổi thông tin với các Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Tổng cục Thuế cho biết, việc xây dựng Kho cơ sở dữ liệu thí điểm lưu trữ các thông tin nhận từ bên thứ 3 (như: Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…) đã giúp cho việc quản lý thu NSNN hiệu quả hơn, góp phần vào công tác chống thất thu NSNN.

Đồng thời, việc triển khai hệ thống CSDL tập trung với các giải pháp về phân tích và khai thác dữ liệu (Business Intelligent và Data Analytics): Hệ thống CSDL tập trung bao gồm các dữ liệu liên quan đến NNT như: dữ liệu về các loại danh mục, thông tin về đăng ký thuế, nghĩa vụ kê khai thuế của NNT, chứng từ nộp thuế, các quyết định của cơ quan thuế liên quan đến NNT, sổ sách theo dõi tình hình nộp thuế của NNT, báo cáo kế toán thuế, báo cáo tài chính của NNT, thông tin thanh tra kiểm tra, hóa đơn, ấn chỉ. Đây là cơ sở để tạo lập và khai thác các báo cáo theo yêu cầu nghiệp vụ nhằm phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro đối với NNT.

Share.

Comments are closed.

phone-icon
facebook-icon